Việt Nam thành trung tâm R&D của nhiều ‘ông lớn’ công nghệ

Samsung xây dựng trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD, trong khi Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á.

Samsung lần đầu công bố bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phát triển R&D của họ tại Việt Nam, trong đó nổi bật là dự án Trung tâm R&D 220 triệu USD đang trong quá trình xây dựng tại Tây Hồ (Hà Nội). Trung tâm này dự kiến hoàn thành vào năm 2022 và là nơi làm việc của ba nghìn kỹ sư.
1

Ảnh từ: S.S

Trước khi xây dựng trung tâm mới, tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này đã đặt trụ sở cho bốn mảng R&D tại Việt Nam, nghiên cứu về thiết bị di động, điện tử gia dụng, AI và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, họ còn có SDV – một trung tâm chuyên nghiên cứu màn hình kiêm phát triển nhân tài cho hãng.

Những năm gần đây, ngoài Samsung, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D. Trước đó, Grab mở trung tâm R&D tại TP HCM. LG được cho là sẽ mở trung tâm thứ hai tại Đà Nẵng. Panasonic, Toshiba, cũng đã có các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Mới đây nhất, Qualcomm đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á, tại Hà Nội.

Trung tâm của Qualcomm mở vào tháng 6 năm ngoái với quy mô 4 phòng lab, tập trung vào các công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay, như sóng radio 4G/5G, camera, một phòng chuyên nghiên cứu cải thiện hiệu năng và pin cho thiết bị di động và một phòng giả lập môi trường mạng để phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu. Đến tháng 4 năm nay, trung tâm có khoảng 50 kỹ sư, toàn bộ là người Việt Nam.

Các trung tâm R&D tại Việt Nam của Qualcomm và Samsung đều là nơi nghiên cứu và phát triển lớn nhất của họ tại Đông Nam Á, nghiên cứu công nghệ cho các dự án trên toàn cầu.

“Trung tâm tại Hà Nội nằm trong hệ thống R&D toàn cầu của Qualcomm, tham gia các dự án lớn của tập đoàn chứ không chỉ phát triển sản phẩm riêng cho Việt Nam”, ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm khu vực Đông Dương chia sẻ.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động của Samsung (SVMC) tại Hà Nội đảm nhận việc nghiên cứu và phát triển dòng điện thoại A tại thị trường Đông Nam Á và nhiều sản phẩm cho thị trường Australia, New Zealand, châu Âu. Đây cũng là nơi kiểm chứng các thiết bị mạng 5G.

Cạnh tranh thu hút nhân lực

Khi ngày càng nhiều dự án R&D có mặt tại Việt Nam, nhân lực chất lượng cao trở thành mục tiêu “săn lùng” của các ông lớn công nghệ.

Dù đánh giá việc xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam “không có gì khó khăn”, ông Thiều Phương Nam cũng nhận định “tương lai khi Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới và có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào, các công ty sẽ cạnh tranh với nhau về nguồn nhân lực”.

Các trường đại học có chất lượng đào tạo ngày càng tốt, bổ sung nguồn kỹ sư tốt cho các trung tâm nghiên cứu. Tuy nhiên để thu hút được người phù hợp, các “ông lớn” công nghệ không chỉ cạnh tranh bằng chế độ làm việc, mà còn chính các “tài sản” công nghệ của mình.

“Để thu hút kỹ sư giỏi, chúng tôi giúp họ tiếp cận với các công nghệ mới nhất của thế giới. Chẳng hạn, nếu kỹ sư đó muốn phát triển các kỹ năng liên quan đến mạng 5G, họ sẽ đến với Qualcomm”, ông Nam nói.

Trong khi đó, Samsung lại phát triển nhân lực từ việc đào tạo. Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, công tác đào tạo được triển khai từ năm 2012. 11 phòng lab tại các trường đại học, nhiều chương trình hợp tác đào tạo được mở ra, giúp sinh viên có nghiên cứu về di động theo tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu. Nhiều sinh viên sau khi thực tập đã trở thành nhân sự chính thức trong các dự án R&D của doanh nghiệp này.

Thách thức với công ty trong nước

Đánh giá về việc các tên tuổi lớn trên thế giới đang chọn Việt Nam để mở các trung tâm R&D, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav, cho rằng “đây là dấu hiệu tốt”, nhưng cũng sẽ mang đến nhiều thách thức cho các công ty trong nước.

“Điều này minh chứng rằng người Việt Nam đủ năng lực để tham gia vào các mảng có giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thắng nói. Theo đại diện Bkav, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn lực trẻ dồi dào với năng lực nghiên cứu tốt, nên sẽ là điểm hấp dẫn với các công ty nước ngoài.

Thực tế này cũng thể hiện thuận lợi với các doanh nghiệp Việt Nam là luôn có sẵn nguồn lực phục vụ R&D ngay trong nước. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng thách thức lớn nhất với các công ty công nghệ trong nước là phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài đã có nhiều tiềm lực.

Kinh nghiệm được đại diện Bkav chia sẻ là “hãy định hướng trở thành công ty công nghệ toàn cầu và xác định từ trước các thách thức này”. R&D là yếu tố sống còn của các công ty công nghệ, vì vậy, các công ty cũng nên chủ động đào tạo nguồn nhân lực R&D cho chính mình.

Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước vừa là đối thủ nhưng cũng vừa là đối tác của nhau. Sự phát triển của các công ty công nghệ trong nước như Bkav, cũng là yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư R&D. Qualcomm cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của trung tâm R&D tại Hà Nội là hỗ trợ các đối tác trong nước phát triển sản phẩm. Nhiều sản phẩm công nghệ của Việt Nam, như smartphone VinSmart, camera AI của Bkav, thiết bị mạng VNPT, sử dụng các linh kiện từ Qualcomm.

Theo đại diện Samsung Việt Nam, với việc đầu tư lớn vào các hoạt động R&D, hãng hi vọng sẽ đóng góp và tạo tiền đề để Việt Nam đi trước đón đầu những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

Lưu Quý/vnexpress.net