Xuất sang EU nhưng trầy trật tại Việt Nam

Từ nhiều năm nay, Công ty cơ khí ô tô 19.8 (Hà Nội) xuất khẩu nhíp ô tô sang các nước như Đức, Pháp, Ý… thu về 7 – 8 triệu USD/năm, nhưng lại rất khó bán cho các nhà lắp ráp ô tô trong nước.

Xuất sang EU nhưng trầy trật tại Việt Nam

Ông Tuấn Anh bên mẻ nhíp vừa hoàn thiện.

Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết đầu những năm 2000, sau khi Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô VN đến năm 2010, tầm nhìn 2020 thì như nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí thuộc Tổng công ty công nghiệp ô tô VN, DN này đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư dây chuyền công nghệ từ Nhật Bản. Trong đó, sản phẩm chủ lực là nhíp, lò xo cho các dòng xe tải. Đến năm 2007, sản phẩm của công ty được chứng nhận đạt tiêu chuẩn DIN của Đức và được nhiều đối tác trong nước ưa chuộng. Đặc biệt, có khoảng 30% sản lượng được xuất khẩu sang các cường quốc ô tô như Pháp, Đức, Ý đem về doanh thu 6 – 8 triệu USD/năm khiến công ty “sống khỏe”.
Cơ khí = cơ khổ
“5 năm trở lại đây, doanh thu xuất khẩu của chúng tôi ổn định, đủ lo cho 350 anh em mà không phải sa thải một ai. Nhưng điều khiến tôi trăn trở là tại sao châu Âu họ dùng được mà mình lại không dùng”, ông Tuấn Anh chùng giọng khi kể về đoạn trường chinh phục thị trường nội địa.
Vị kỹ sư cơ khí nhớ lại, đó là vào khoảng năm 2012, khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu khó khăn, cùng với các sản phẩm tiêu dùng, những mặt hàng công nghệ, cơ khí cũng tìm đủ mọi cách len lách vào những thị trường dễ tính, mà VN không phải là ngoại lệ.
“Phải thú thực là các loại lò xo, nhíp địa phương của Trung Quốc rẻ hơn mình khoảng 20%, nhưng nếu là sản phẩm cùng chất lượng, chủng loại thì mình vẫn ăn đứt về giá. Có điều, không ít DN lắp ráp bắt đầu chạy theo giá cả mà ngả sang dùng hàng địa phương Trung Quốc. Trong khi đó, những ông lớn lắp ráp ô tô bắt đầu từ chối sử dụng của mình ngay cả khi mình chào giá tượng trưng, rẻ hơn song họ nói… lý do rất tế nhị”, ông Tuấn Anh cười và bỏ lửng câu chuyện. “Tuy nhiên, những thương hiệu như Thaco, Cửu Long họ vẫn mua hàng của chúng tôi để sử dụng trong các dịch vụ sửa chữa, thay thế”, ông nói thêm.
Vì thế, hai năm gần đây, theo ông Tuấn Anh, mỗi khi nghe tin có công ty nội địa nào gia nhập thị trường lắp ráp xe tải là ông lại lần mò tìm đến để gửi hàng, dù với bất cứ giá nào, miễn là được đối tác chấp nhận dùng thử.
“Mình là ông thợ máy, cứ nghĩ suốt ngày chui trong xưởng với anh em, làm ra một sản phẩm tốt, giá phải chăng là được. Song đến khi đi sâu vào kinh doanh mới vỡ ra có những điều rất khó nói. Người ta cứ đùa tôi rằng cơ khí là nghề cơ khổ”, ông cười chua chát.
Không dễ vào chuỗi
Phải chăng có gì đó uẩn khúc khi mà một sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng châu Âu nhưng trong nước lại chê? Theo một cựu lãnh đạo Tổng công ty công nghiệp ô tô VN, nếu lắp ráp xe mang thương hiệu riêng thì thoải mái để lựa chọn linh kiện. Nhưng nếu xe lắp ráp trong nước vẫn mang thương hiệu của các tập đoàn ô tô nước ngoài thì ngay khi đàm phán ban đầu bị ràng buộc rất nhiều. Đó cũng là lý do vì sao một số nhà lắp ráp ô tô lớn của VN chỉ mua hàng nội phục vụ công tác hậu mãi, sửa chữa thay thế chứ khó đưa vào từ đầu.
Trả lời Thanh Niên, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), cho hay ông cũng từng rất suy nghĩ về câu chuyện như trường hợp Cơ khí 19.8. Theo ông, để đạt tiêu chuẩn DIN của Đức và được các công ty ô tô của châu Âu chọn làm đối tác là điều không dễ và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của DN nội.
“Có điều, dù sản phẩm của anh tốt rồi song để đứng được vào chuỗi sản xuất toàn cầu không phải là chuyện dễ vì đa số các cuộc chơi đều do người đứng đầu chuỗi quyết định”, ông Hoài nói và dẫn chứng, nếu một DN nội muốn lắp ráp ô tô của một thương hiệu lớn thì chịu rất nhiều ràng buộc, và phần lớn các nhà cung cấp linh kiện đều do thương hiệu ô tô đó giới thiệu, thậm chí là chỉ định.
“Mới đây khi đầu tư vào dự án khí Cá voi xanh, đối tác nước ngoài có thuê DN nội làm ống thép dẫn khí, nhưng đến loại thép họ cũng yêu cầu phải là thép do Sumitomo sản xuất”, ông Hoài nói thêm.
Trong khi đó, lý giải một phần về việc các nhà lắp ráp nhỏ lẻ thường chọn các sản phẩm từ Trung Quốc dù biết chất lượng thua xa sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Đăng kiểm xe cơ giới (Cục Đăng kiểm), cho biết do các sản phẩm đó không phải kiểm định bắt buộc về chất lượng. Theo ông An, hiện mới có một số linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm định trước khi đưa vào lắp ráp như kính, gương chiếu hậu hay lốp… trong khi sản phẩm nhíp ô tô chưa thuộc danh mục này.
“Mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về việc phải có hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước. Tôi có nghe Bộ KH-CN nói cần xây dựng quy chuẩn quốc gia để bổ sung nhíp vào danh mục cần kiểm định nhưng phải lấy ý kiến các bộ ngành, các hiệp hội để tránh tình trạng đưa vào rồi thì DN phản ánh thêm phiền hà”, ông An nói.

Theo Thanh Niên

Tin Liên Quan