VAI TRÒ, HIỆN TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

Với vai trò quan trọng của ngành cơ khí và xuất phát từ nhu cầu thị trường, trong những năm qua ngành Cơ khí Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội. Sau hơn 25 năm đổi mới, ngành cơ khí Việt Nam từ vài xưởng quân cụ chuyên sửa chữa xe quân sự, vũ khí, máy bay tàu hải quân, vài xưởng cơ khí chuyên cán, kéo sắt ri, xưởng sửa chữa nhỏ của tư nhân chuyên sửa chữa ôtô, xe máy, tàu thuyền… tập trung rải rác trên khắp các tỉnh thành cả nước; đến hôm nay là cả một ngành cơ khí với hàng chục ngàn doanh nghiệp bao gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia với  quy mô vốn đầu tư từ vài tỷ đến hàng ngàn tỷ, với máy móc, thiết bị đủ các loại từ đơn giản đến phức tạp ứng dụng công nghệ PLC, CNC …; sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông – lâm- ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài.

Ngành cơ khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, là một trong những ngành đầu tàu, mũi nhọn, đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới, điển hình như: Tổng công ty Công nghiệp tầu thủy Việt Nam Vinashin; Tổng lắp máy Lilama Việt Nam; Tổng  công ty xây lắp dầu khí; Công ty Cổ phần Cơ điện Việt Nam, Công ty Ôtô Trường Hải; Nhà máy lọc dầu Dung Quốc, Nghi Sơn,…, tạo cơ sở thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.
Các sản phẩm chủ yếu của ngành cơ khí bao gồm: Nông cụ cầm tay, xe máy, lắp ráp ôtô, máy nông nghiệp, tàu thuyền, ống áp lực, khung nhà tiền chế…Trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ngành cơ khí nói chung và cơ khí chế tạo Việt Nam nói riêng có những mặt thuận lợi để phát triển và không ít khó khăn thách thức phải vượt qua.

Về định hướng phát triển của ngành từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cần tận dụng thế mạnh sẵn có của khu vực, đầu tư phát triển ngành ở những nơi có hạ tầng cơ sở tốt. Tùng bước hình thành các ngành hỗ trợ phục vụ cho nhu cầu phát triển của ngành. Từng bước trang bị lại và hiện đại hóa các trang thiết bị hiện có. Đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số trong khâu thiết kế, chế tạo.

Về lâu dài, hướng phát triển là tập trung cho nghiên cứu và phát triển các thế hệ máy mới và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nâng cấp công nghệ trong khâu gia công cơ khí và mở rộng chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các lĩnh vực đang sử dụng dây chuyền và thiết bị nhập ngoại.

Các doanh nghiệp đóng tàu cần được hỗ trợ vốn vay cho việc nhập công nghệ sản xuất tiên tiến, nhập thiết bị và các dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, sử dụng thiết bị tự động (CAD/CAM) để thiết kế vỏ tàu, bố trí khoang, phối hợp bánh lái và chân vịt để cải thiện tốc độ, hiệu quả. Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển sang nghiên cứu khả năng thực hiện đóng các tàu công nghệ cao và tàu chuyên dụng phục vụ nội địa và xuất khẩu. Tiếp tục khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất phụ tùng ôtô cung cấp cho các liên doanh ôtô trong nước. Các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu mà ngành cơ khí chế tạo Việt Nam hướng vào trong thời gian tới:

– Thiết bị toàn bộ: Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ với công nghệ tiên tiến. Sản xuất thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Đầu tư có trọng điểm thiết bị và công nghệ cao CAD/CAM (Computer Aided Design/Computer Aided Manufacturing – Thiết kế/Chế tạo với sự trợ giúp của máy tính) vào các khâu cơ bản, như đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp.

– Máy động lực: Phát triển ngành chế tạo máy động lực trở thành lĩnh vực công nghiệp mạnh của Việt Nam và cả nước, đầu tư chiều sâu, hiện đại hoá thiết bị và công nghệ CIM.

– Máy kéo và máy nông nghiệp: Áp dụng công nghệ tạo phôi, sơn tĩnh điện, dây chuyền lắp ráp tự động để nâng cao năng suất, chất lượng.

– Máy công cụ: Phối hợp với các trung tâm nghiên cứu mạnh của hai đầu đất nước nghiên cứu thiết kế, chế tạo các mẫu máy hiện đại ứng dụng công nghệ  PLC, CNC, NC và các thiết bị gia công đặc biệt. Kêu gọi nước ngoài đầu tư các nhà máy  sản xuất máy công cụ tại khu vực.

– Cơ khí xây dựng: Đầu tư chiều sâu, mới các cơ sở chế tạo máy xây dựng với thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất: Vật liệu xây dựng, thi công xây lắp các công trình lớn, xây dựng đô thị và nông thôn; Phát huy lợi thế đối với lĩnh vực sản xuất kết cấu kim loại trong xây dựng và các dự án công nghiệp, tập trung chế tạo các thiết bị máy xây dựng có độ phức tạp cao, hiện đại mà thị trường trong nước và nước ngoài có nhu cầu.

– Cơ khí tàu thủy: Phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam theo hướng trở thành một chuyên ngành kinh tế kỹ thuật đồng bộ từ đào tạo, nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CIM, công nghệ PLC, CNC, NC, CAD/CAM đáp ứng nhu cầu đổi mới cơ cấu đội tàu hoạt động của khu vực Việt Nam, một phần trong nước và nước ngoài.
– Thiết bị điện: Xây dựng ngành sản xuất thiết bị điện hiện đại, đến năm 2025 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện.
Đầu tư mới, đầu tư chiều sâu thiết bị điện với công nghệ tiên tiến để nhanh chóng nâng cao năng lực chế tạo thiết bị điện. Trước mắt cần đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất của các cơ sở hiện có để có thể sản xuất được các loại biến áp đến 25 MVA, điện áp 110 kV, các thiết bị phân phối, truyền dẫn cho ngành điện lực, thiết bị áp lực và các thiết bị điện khác cho ngành công nghiệp và dân dụng.

– Cơ khí ôtô và cơ khí giao thông vận tải: Phát triển ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới CNC, CAD/CAM, thấm than hiện đại, kết hợp với khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị hiện có.
Đầu tư chiều sâu, bổ sung công nghệ, thiết bị lắp ráp để sản xuất xe, máy công trình như trạm trộn bê tông nhựa nóng, máy rải thảm bê tông nhựa, xe lu các loại, trạm nghiền sàng đá công suất lớn. Để đạt được các mục tiêu và định hướng trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách:

– Chính sách thị trường Nhà nước ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Thực hiện bảo hộ có điều kiện và có thời hạn đối với một số sản phẩm cơ khí trong nước và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ các sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với lộ trình hội nhập WTO.

– Chính sách tạo vốn cho ngành cơ khí Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí, các công trình chế tạo thiết bị toàn bộ cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp cơ khí, niêm yết trên thị trường chứng khoán, để tạo vốn đầu tư mới và đa dạng hóa nguồn vốn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện theo hướng nâng cao khả năng chuyên môn hóa, hợp tác hóa trong toàn ngành cơ khí.

– Chính sách thuế Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện, bộ phận của sản phẩm cơ khí trọng điểm để phục vụ sản xuất trong nước. Miễn hoặc giảm thuế có thời hạn cho các sản phẩm cơ khí mới lần đầu sản xuất ở Việt Nam.

– Chính sách đầu tư cho nghiên cứu và phát triển: Đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ cho các dịch vụ  như thuê chuyên gia, mua thiết kế, mua công nghệ, chuyển giao công nghệ vượt quá khả năng của doanh nghiệp.
Cần dành một khoản kinh phí thích đáng cho các nghiệp sản xuất cơ khí nghiên cứu và phát triển (2% doanh thu).

– Chính sách đào tạo nguồn nhân lực: Nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí đủ năng lực để đào tạo nguồn nhân lực cơ khí chất lượng cao; hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài theo các chương trình, dự án được phê duyệt./.

Tin Liên Quan