Thị trường thép tiêu thụ tăng trưởng trên 7% trong tháng 5

Theo đánh giá tổng hợp của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 5 sản xuất và tiêu thụ thép thị trường trong nước đều tăng trưởng khá hơn so với tháng 4/2017 và cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, trong tháng 5/2017 sản xuất thép trong nước đạt 7.876.016 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016. Tiêu thụ ước đạt 6.432.889 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thép xây dựng sản xuất trong tháng 5/2017 đạt 722.909 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2016 và giảm 1,1% so với tháng trước; tiêu thụ đạt 758.783 tấn, tăng 19,4% so với tháng trước và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ tiêu thụ tăng cao hơn so với lượng sản xuất nên lượng thép tồn kho tính tới thời điểm 31/5/2017 là 621.424 tấn, giảm 14% so với thời điểm 30/4/2017.

Nếu tính cả 5 tháng đầu năm 2017, tổng lượng thép xây dựng sản xuất đạt 3.676.645 tấn, tăng 12,83% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ đạt 3.483.326 tấn, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, xuất khẩu đạt tới 372.050 tấn, tăng 94,86% so với cùng kỳ năm trước. Đó là tín hiệu vui bởi các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã nỗ lực rất cao trong việc tiết giảm mọi chi phí sản xuất, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó đã giúp cho tổng sản lượng thép tiêu thụ đều tăng trưởng khá trong 5 tháng.

Đối với mảng ống thép, trong tháng 5/2017 tiêu thụ đạt 201.392 tấn, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ống thép hàn đạt 24.327 tấn, tăng 91,2% so với tháng 4/2017 và tăng gấp đôi (105,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 5/2017, sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 395.363 tấn, tăng 10,3% so với tháng trước nhưng tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt 315.474 tấn, tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 36,3% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu tôn mạ đạt 150.617 tấn, tăng 15,2% so với tháng 4/2017 và tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính chung 5 tháng, sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt 1.748.885 tấn, tăng 8,99% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt 1.308.071 tấn, tăng 18,57% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu tôn mạ đạt 627.005 tấn, tăng 29,72% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, đối với mảng thép cuộn cán nguội (CRC) trong tháng 5/2017 sản xuất và tiêu thụ đều giảm. Cụ thể, sản xuất đạt 324.964 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt 169.723 tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu đạt 58.148 tấn, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng năm 2017, mảng thép cuộn cán nguội sản xuất đạt 1.533.470 tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng, tiêu thụ chỉ đạt 776.320 tấn, lại giảm 2,3% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu đạt 265.928 tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 30/4/2017, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 5,594 triệu tấn. Với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,161 tỷ USD, tăng 1% về lượng, nhưng tăng 52% về giá trị.

Theo đánh của các chuyên gia ngành thép, tháng 5/2017 thị trường thép trong nước tiêu thụ đã có dấu hiệu tăng trở lại so với tháng 4. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, Việt Nam nhập khẩu một số mặt hàng thép vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 như: Thép cuộn cán nguội nhập khẩu tới 210.415 tấn, tăng 122%; Thép thanh que cuộn không hợp kim nhập khẩu tới 229.545 tấn, tăng 97%; Thép không gỉ nhập khẩu 332.874 tấn, tăng 60%; Dây thép nhập khẩu 66.005 tấn, tăng 68%.

Đề cập tới giá cả một số mặt hàng thép cho thấy, giá bán thép xây dựng trong nước tại thời điểm tháng 5 giảm khoảng 150 đến 500 đồng/kg so với cuối tháng 4/2017 (mức giảm cũng tùy thuộc vào cơ chế của từng doanh nghiệp). Nhưng, tính đến cuối tháng 5 mức giá bán thép dao động khoảng 10.350 đồng – 10.450 ngàn đồng/tấn ở cả phía bắc và phía Nam. Điều đáng buồn cho nhà sản xuất thép bởi giá bán trên thị trường hiện vẫn đang tiếp tục có xu hướng giảm.

Mặc dù thị trường thép tiêu thụ nói chung đều tăng, tuy nhiên, mức tăng đó có sự nỗ lực mạnh mẽ chính từ các doanh nghiệp sản xuất thép. Song, mức tăng trưởng đó khó có thể duy trì bởi lượng thép cuộn ngoại nhập với giá rẻ ngày càng gây khó khăn cho nhà sản xuất nội địa. Không những vậy, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước ngày càng gay gắt trong việc duy trì thị phần. Để tăng trưởng các doanh nghiệp đã đưa ra chiêu bài giảm giá bán, khiến lượng tồn kho cuối kỳ giảm, nhưng kết quả kinh doanh lại kém hoặc có doanh nghiệp bị lỗ.

 Ngân Giang (nguồn: Theo Kim Tuyến, http://baocongthuong.vn)

Tin Liên Quan