Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hạn chế nhập khẩu, các DN KH-CN trong nước đã tập trung nghiên cứu, sản xuất máy công cụ điều khiển bằng chương trình số và kỹ thuật vi xử lý (máy CNC).
Hiện tại, máy CNC được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chế tạo máy tới ngành dệt may, điều khiển robot hay chế tạo thiết bị điện tử… Trên thị trường Việt Nam, phần lớn máy CNC do nước ngoài sản xuất. Cụ thể: Máy CNC do Đài Loan và Trung Quốc sản xuất, có phần điều khiển mua của các hãng nổi tiếng như: Fanuc, Mitsubishi, giá bán phù hợp với đại đa số DN trong nước. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều DN đã sử dụng sản phẩm này, nếu hỏng việc sửa chữa, thay thế rất khó. Còn máy CNC của các nước phát triển: Nhật, CHLB Đức… chất lượng tốt, song giá rất đắt.
Máy sản xuất trong nước, đang có 2 xu hướng chế tạo tồn tại song song. Thứ nhất là xu hướng mua “xác máy” cũ. Các máy này có thể là máy CNC hoặc máy vạn năng thông thường, được loại bỏ các thành phần không liên quan (các động cơ, tay quay…). Sau đó, thay thế các thiết bị truyền động thích hợp, lắp ráp các thiết bị điều khiển, đặt tham số phù hợp cho máy. Thứ hai,chế tạo các thành phần của kết cấu máy và lắp ráp tại Việt Nam. Các bộ phận điều khiển sẽ được nhập, lắp ráp theo yêu cầu của người sử dụng.
Gần đây, xu hướng thứ hai trở nên sôi động hơn. Nhiều đơn vị KH-CN thông qua các chương trình của nhà nước cũng như các kênh khác, đầu tư khá nhiều, nhằm mục tiêu tạo ra thiết bị CNC. Cụ thể như: Công ty BKMech (Hà Nội) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công loại máy phay CNC cao tốc mới. Đây là loại máy lần đầu tiên do Việt Nam chế tạo, có kết cấu kiểu cầu trục, với tốc độ quay của trục chính vô cấp có thể đạt tới 24.000 vòng/phút. Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã làm chủ kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo máy CNC sản xuất cốt thép của ống cống bê tông kích thước lớn. Đây là đề tài thuộc Chương trình KH-CN trọng điểm cấp nhà nước KC.05. Sản phẩm thay thế thiết bị ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của các cơ sở sản xuất ống cống bê tông chất lượng cao trong nước. Bên cạnh đó, kỹ sư Cao Đức Phổ – Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) – đã nghiên cứu và sản xuất thành công máy CNC thông thường có giá thành rẻ, phục vụ công tác dạy nghề và sản xuất – kinh doanh. Sản phẩm áp dụng nhiều kỹ thuật tin học, phần cứng của máy tính, động lực…
Việc bước đầu chế tạo thành công máy CNC sẽ giúp Việt Nam hình thành một nền công nghệ chế tạo cao cấp kèm theo các dịch vụ hoàn chỉnh, làm thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy trong nước. Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ khác: Khuôn mẫu, nhựa, đúc, chế tạo máy… cũng dần được nâng cấp về chất lượng, nhằm cung cấp các phụ kiện cho ngành công nghiệp chế tạo máy.
Tuy nhiên, theo TS.Hoàng Vĩnh Sinh – Viện Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội), do chưa nắm vững công nghệ, quản lý chất lượng chưa tốt dẫn đến một số máy CNC trong nước có độ chính xác không cao. Người dùng không thể tương tác với cấu trúc bên trong nên gặp khó khăn trong quá trình sửa chữa. Thiếu thiết bị thay thế khi hỏng hóc, đội ngũ kỹ thuật không đáp ứng được việc sửa chữa do không có đầy đủ thông tin về cấu trúc bên trong của bộ điều khiển,…
Để tiến tới những sản phẩm 100% “Made in Vietnam”, rất cần chú trọng tạo ra các bộ CNC phục vụ giảng dạy trong các trường đại học. Từ đó, tạo nguồn nhân lực có tư duy tốt về các hệ thống sản xuất hiện đại. Nắm bắt, ứng dụng và tiếp cận nhanh nhất công nghệ nước ngoài, tránh làm theo kiểu gia công…
Theo baocongthuong