Ngành cơ khí Việt Nam thiếu chiến lược phát triển bài bản: Kỳ 1 – Ngành cơ khí cần được quan tâm để phát triển

Các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện chưa tìm được hướng đi cụ thể do đang thiếu chiến lược phát triển bài bản. Trong khi đó, từ nay đến năm 2035, nước ta vẫn phải tiếp tục đầu tư hàng chục nhà máy nhiệt điện. Đây chính là “cơ hội vàng” để phát triển, nhưng các doanh nghiệp có nắm bắt được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào những chính sách kịp thời của nhà nước.

Theo một đánh giá từ Quy hoạch tổng thể công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam cần tổng vốn đầu tư cho các dự án của các phân ngành công nghiệp khoảng 289 tỷ USD, trong đó giá trị đầu tư lớn nhất là các dự án điện và dầu khí. Dự kiến giá trị thiết bị công nghiệp chiếm 70-75%. Như vậy giá trị đầu tư vào thiết bị khoảng 200 tỷ USD. Nếu ta có thể tự sản xuất được 30% trong số này thì có thể có 60 tỷ USD giá trị sản xuất cơ khí cho các dự án. Bình quân mỗi năm là 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp (DN) trong nước chưa nắm bắt được cơ hội này do nhiều cái khó cả khách quan và chủ quan. Nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đúng mực đến ngành được coi là “xương sống” cho sự phát triển.

Đã từng có những “đơn đặt hàng” của Nhà nước 

Đúng là trong thời gian trước đây, nhà nước đã có nhiều chính sách giúp nâng đỡ ngành cơ khí phát triển. Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) thẳng thắn thừa nhận. Ông cho rằng, việc đặt hàng của chính phủ đã tạo cú hích lớn cho ngành cơ khí.

Cụ thể, theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 với mục tiêu đến năm 2010 phải đảm bảo được 40-45% nhu cầu cơ khí trong nước và có thể xuất khẩu khoảng 30-35%. Quyết định này đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành cơ khí một thời gian dài.

Đơn cử, với công nghiệp tàu thủy, trước đây chúng ta chỉ đóng được những con tàu trọng tải nhỏ khoảng 3.000 tấn, nhưng sau khi nhận được đơn đặt hàng của Chính phủ, chúng ta đã đóng được những con tàu trọng tải lớn từ 6.500 tấn, rồi hơn 10.000 tấn, 53.000 tấn và 100.000 tấn. Với ngành ô tô cũng vậy, sau khi có đơn đặt hàng và rất nhiều ưu đãi, thì ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được thị phần xe tải nhẹ, xe khách, xe buýt với một số tên tuổi nổi lên như VINAXUKI, Trường Hải, TMT, SEMCO…

Nhất là ở lĩnh vực cơ khí thủy công, các DN trong nước đã giành được thắng lợi lớn. Ông Thụ cho biết, thời điểm bắt đầu làm công trình thủy điện Sơn La, Hiệp hội DN cơ khí đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ để cho các DN cơ khí trong nước đảm nhiệm mảng cơ khí thủy công. Sau khi xem xét năng lực một số cơ sở như cơ khí Quang Trung, MIE, COMA, LILAMA, Chính phủ đã quyết định giao khoảng 50% khối lượng cơ khí thủy công tại thủy điện Sơn La cho các DN trong nước. Chính việc đặt hàng của Chính phủ cùng một loạt cơ chế ưu đãi đặc thù đã tạo một cú hích lớn cho ngành cơ khí. Bắt nguồn từ khi được giao việc, các DN đã tự đi học thiết kế, chế tạo cơ khí thủy công, dần xây dựng được lực lượng trong nước. Như vậy, ta có thể khẳng định cơ khí thủy công là một thắng lợi. Trong khi, nếu không có bàn tay của Nhà nước, không biết đến bao giờ các DN trong nước mới được làm và mới biết làm.

Và, quan trọng nhất là chúng ta đã trưởng thành lên nhờ bước đầu làm tổng thầu EPC. Mặc dù phải thừa nhận, bước đầu, EPC thực sự là một khó khăn, thử thách lớn. Đã có nhiều bài học và chúng ta phải trả “học phí” cho bước đầu bỡ ngỡ của kẻ tập sự. Nhưng nếu như không có EPC của nhiệt điện Uông Bí ban đầu, thì khả năng làm những công trình lớn về sau này như nhà máy điện Cà Mau 1&2 và nhiệt điện Nhơn Trạch 1&2 rồi nhiệt điện Vũng Áng 1 và nhiệt điện Sông Hậu 1 hiện tại là không thể.

Hiện tại ngành cơ khí đang thiếu một định hướng bài bản 

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2017 đến nay, ngành cơ khí nước nhà dường như chưa có một hướng đi cụ thể. Ông Thụ cho biết, tính cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các văn bản pháp quy chủ chốt nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành cơ chế chế tạo (Quyết định 186/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015) đã hết hiệu lực. Thực tế, vào ngày 9/6/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Công văn số 986/TTg-KTN đồng ý gia hạn hiệu lực hiệu lực của Quyết định 10/2009/QĐ-TTg đến hết tháng 12 năm 2016. Trong Công văn này cũng nêu rõ: Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Đề án chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn tới năm 2035 và Chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm cho giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 12 năm 2016 để xem xét quyết định. Tuy nhiên, hiện tại Đề án chiến lược ngành cơ khí Việt nam này qua rất nhiều dự thảo lấy ý kiến nhưng vẫn chưa có được bản chính thức.

Hiện tại, ngay cả Ban cơ khí trọng điểm, tổ điều hành tương ứng cũng không còn hoạt động. Như vậy, các DN sản xuất cơ khí, các sản phẩm của nó trước đây được xếp vào “trọng điểm”, tham gia “thí điểm” không rõ rồi sẽ đi về đâu, tiếp tục ra sao…? Thực tế, nhiệm kỳ Chính phủ mới đã hơn hơn một năm, nhưng việc đề cập đến hỗ trợ ngành chế tạo cơ khí khá mờ nhạt, đến nay cơ khí – một ngành được coi là mũi nhọn, ngành xương sống cho sự phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa lại thực sự chưa được quan tâm đúng như nó đáng phải được quan tâm– ông Thụ thẳng thắn chia sẻ.

Chính vì không có một định hướng chiến lược nên các DN cơ khí không biết đường hướng phát triển cơ khí như thế nào? Cái gì trọng điểm để đầu tư? Đang rất thiếu một quy hoạch dài hơi, bài bản và chiến lược cũng như các cơ chế chính sách để thực thi chiến lược này – Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch VAMI .

Nguyễn Duyên – Duy Tình

Tin Liên Quan