MTA VIETNAM tự hào là sự kiện công nghiệp mang tính nền tảng, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 5 năm 2017 – Trong bối cảnh hàng loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được đàm phán và ký kết, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. RCEP được xem như một giải pháp thay thế kịp thời cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP. Các chuyên gia kinh tế cho rằng RCEP sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam, giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng lên, đồng thời giúp mở rộng thị trường đầu tư và xuất khẩu. Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo – ngành mũi nhọn của Việt Nam – được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh, giữ vai trò tiên phong trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho toàn ngành sản xuất công nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong quý I/2017, tổng số vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo lên đến 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký1. Chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo trong vòng 4 tháng đầu năm 2017 tăng 9,2%, đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp; trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công kim loại tăng trưởng vượt bậc với 47,5%2.
Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những bước phát triển đáng kể và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, là đầu tàu quan trọng cho tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Song, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức lớn mà lĩnh vực chế tạo trong nước cần phải đối mặt, đặc biệt là về mặt công nghệ và những rào cản về máy móc kỹ thuật. Chính vì vậy, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần phải mạnh dạn đầu tư hơn nữa vào công tác đổi mới máy móc công nghệ, nâng cao kỹ năng tay nghề cho lực lượng lao động, và liên tục cập nhật xu thế thị trường. Được vậy, cơ hội để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vươn lên và phát triển ngang tầm khu vực là điều hoàn toàn không khó.
MTA VIETNAM – Diễn đàn hàng đầu ngành công nghiệp cơ khí chế tạo
Năm 2017 đánh dấu lần tổ chức thứ 15 của triển lãm MTA VIETNAM – Triển lãm hàng đầu Việt Nam về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại. Trở lại vào đúng thời điểm, MTA VIETNAM mang trong mình tầm nhìn và sứ mệnh giúp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam. Trải qua 14 lần tổ chức thành công, triển lãm đang từng bước lớn mạnh và trở thành sự kiện chuyên nghiệp hàng đầu, là cơ hội tuyệt vời nơi các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu hợp tác, mở rộng quan hệ và cập nhật xu hướng.
Với quy mô và chất lượng mang tầm quốc tế, MTA VIETNAM2017 quy tụ hơn 420 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm 13 nhóm gian hàng quốc tế từ Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Nhật, Singapore và Thái Lan. Một số thương hiệu quốc tế nổi bật tại triển lãm không thể không nhắc đến Amada, Bystronic, Blum, DMG Mori, Hwacheon, Makino, Mazak, Mitsubishi Electric, Nikon, Okamoto, Renishaw, Sodick, Tong Tai, YG-1, Wenzel, và nhiều doanh nghiệp khác.
Điểm nhấn đến từ các nhóm gian hàng quốc tế
Được dẫn dắt bởi Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức cùng với Hiệp hội Công nghiệp Triển lãm Thương mại Đức (AUMA), nhóm gian hàng Đức tại MTA VIETNAM2017 hân hạnh quy tụ nhiều tên tuổi lớn – là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ngành máy công cụ và gia công kim loại như Guehring, Hoffmann Quality Tools, Knuth, Trumpf, Zoller,… Mặt khác, nhóm gian hàng Nhật Bản dưới sự điều phối của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), cũng sẽ mang đến triển lãm nhiều trang thiết bị, máy công cụ và giải pháp tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành sản xuất cơ khí tại Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản nổi bật bao gồm: Enomoto, Fuji Tool, Nakano, Sakagami, Thermal, và nhiều đơn vị khác.
Ngoài ra, MTA VIETNAM2017 còn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Được biết Hàn Quốc là quốc gia có số lượng nhóm gian hàng nhiều nhất tại triển lãm năm nay, với tổng cộng 6 nhóm gian hàng quy tụ hơn 40 doanh nghiệp. Một số đơn vị tiêu biểu có thể kể đến như Dragon Precision, Hangzhou Donghua, Jin Young, Mega Plus, Shandong Mingtai, Widin.
Cùng với đó là sự hiện diện của 3 nhóm gian hàng Đài Loan và 2 nhóm gian hàng khác đến từ Singapore và Thái Lan. Được dẫn dắt bởi các tổ chức thương mại và công nghiệp hàng đầu, các doanh nghiệp thuộc nhóm gian hàng quốc tế sẽ giới thiệu đến khách tham quan hàng loạt trang thiết bị công nghệ và giải pháp sản xuất hiện đại, với mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư và nâng cao tỉ lệ cung ứng nội địa tại thị trường Việt Nam.
Phong phú hơn với các buổi hội thảo chuyên ngành
Bên cạnh chương trình triển lãm chính, các buổi hội thảo chuyên ngành tại MTA VIETNAM2017 sẽ tập trung xoáy sâu vào những xu hướng và vấn đề nóng bỏng mà ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam hiện đang đối mặt, đặc biệt là xu hướng nền công nghiệp 4.0.
Nhằm giúp cho các đơn vị có sự chuẩn bị tốt nhất để bước vào kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp 4.0, các chuyên gia đến từ Trung Tâm Nghiên Cứu Kỹ Thuật Đa Ngành (MES LAB) và Lean Six Sigma Network sẽ tham gia chia sẻ và có những đánh giá cụ thể về bản chất của cuộc cách mạng nói trên, cũng như ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Việt Nam và cơ cấu toàn ngành công nghiệp.
TS. Nguyễn Hữu Thiện – Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH & CN) – Chủ tịch Lean Six Sigma Network nhận định: “Tiến tới Công nghiệp 4.0 liên tục là chủ đề nóng và được quan tâm tại nhiều diễn đàn trong thời gian qua. Để tận dụng các cơ hội và bắt kịp Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản, thiết yếu và bền vững nhất, đó là phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc. Và đó cũng chính là mục đích thiết yếu mà tôi muốn hướng đến khi xây dựng chương trình hội thảo tại MTA VIETNAM.”
Bên cạnh đó, khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều phiên tham luận chuyên ngành cơ khí chế tạo và máy công cụ, bao gồm “Hội thảo Máy công cụ Công nghiệp Đài Loan – Mũi nhọn Thế giới” được tổ chức bởi Hiệp hội Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) và “Hội thảo Tay nghề Thợ hàn Việt Nam – Khả năng Đáp ứng vào Nền công nghiệp Chế tạo trong nước và Xuất khẩu” được tổ chức bởi Công ty TNHH Tư vấn CIMA (Văn phòng Đại diện cua Hiệp hội Hàn Mỹ tại Việt Nam). Các tham luận đa dạng và buổi huấn luyện kỹ năng bổ ích hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng và nâng cao kiến thức, đồng thời mở rộng mạng lưới kinh doanh cho các quý đại biểu tham dự.
“Ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang chuyển mình và phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đầu tư cải tiến công nghệ và nâng cao kiến thức chuyên môn. Tôi hy vọng rằng triển lãm MTA VIETNAM sẽ tiếp tục phát huy được vị thế quan trọng của mình đối với lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, là điểm đến lý tưởng để các đơn vị cung ứng và khách mua hàng giao lưu kết nối, mở rộng kinh doanh và trao đổi công nghệ,” ông BT Tee – Tổng Giám đốc, Công ty UBM VES – đơn vị tổ chức triển lãm MTA VIETNAM2017 cho biết.