Kẻ được – người mất trong TPP

Chuyên gia thế giới nhìn nhận Việt Nam là người chiến thắng lớn nhất, trong đó hưởng lợi nhiều nhất là các ngành dệt may, thủy hải sản.

12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất thỏa thuận sau 5 năm đàm phán. Các nước TPP có tổng GDP chiếm 40% toàn cầu. Và khi hiệp định này được thực thi, kinh tế thế giới sẽ được bổ sung gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Nhà Trắng ước tính TPP sẽ xóa bỏ 18.000 loại thuế nhập khẩu cho các sản phẩm nước này, đồng thời cho phép mọi nhà sản xuất, từ Việt Nam đến New Zealand dễ dàng tiếp cận hàng loạt thị trường tại khu vực Thái Bình Dương.

Trên CNBC, Deborah Elms – Giám đốc Asia Trade Centre cho biết: “Người chiến thắng lớn nhất là Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ đổ tới nước này. Thứ hai có thể là Malaysia và thứ ba là Nhật Bản”. Trong một báo cáo gần đây, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cũng có nhận xét tương tự, do Việt Nam sẽ có quyền tự do thâm nhập thị trường Mỹ với các sản phẩm dệt may và giày dép. Đây là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với mức thuế vào Mỹ hiện trong ngưỡng 17-32%.

TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện tại. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng sẽ tăng mạnh, đổ về quốc gia có thu nhập bình quân thấp nhất TPP này.

ke-duoc-nguoi-mat-trong-tpp

Công nhân trong một nhà máy may ở Bình Dương. Ảnh: Bloomberg

PIIE cũng dự báo Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất, tính theo phần trăm, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Eurasia Group cũng có chung quan điểm này, khi cho rằng TPP có thể đẩy GDP Việt Nam lên thêm 11% cho đến năm 2025, với xuất khẩu tăng 28% trong thời kỳ này, khi các công ty nước ngoài đổ đến đây để tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ.

Các ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, thủy hải sản, do thuế nhập khẩu được giảm bớt. Tuy nhiên, giảm thuế nhập khẩu thuốc từ mức 2,5% hiện tại sẽ khiến cạnh tranh giữa các hãng dược phẩm trong nước và nước ngoài càng gay gắt. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ tăng cũng khiến các công ty Việt Nam bị hạn chế tiếp cận và sản xuất thuốc mới.

Malaysia chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ, Canada hay Mexico. Vì thế, họ cũng sẽ là đối tượng hưởng lợi chính từ TPP. “TPP sẽ giúp các hãng xuất khẩu Malaysia có cơ hội tiếp cận toàn bộ thị trường Bắc Mỹ, và sẽ tăng tính hấp dẫn của Malaysia trong vai trò trung tâm nhận đầu tư từ Bắc Mỹ”, Rajiv Biswas – Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS cho biết.

Các ngành được lợi nhiều nhất là điện tử, hóa phẩm, dầu cọ và xuất khẩu cao su. Malaysia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và là một trong những nước trồng cao su lớn nhất toàn cầu. Dù vậy, các công ty quốc doanh nước này có thể phải chịu trận với các điều khoản công bằng về hoạt động cung cấp hàng cho Chính phủ.

Với Nhật Bản, ngành hưởng lợi lớn nhất là ôtô, khi được quyền tiếp cận Mỹ – thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất cho nước này – với mức thuế rẻ hơn. Việc TPP mở cửa thị trường dịch vụ của tất cả các nước thành viên với nhau cũng sẽ đem lại lợi thế lớn cho họ. Do lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tương đối kém cạnh tranh, họ sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển. Các ngành sẽ được hưởng lợi là logistics, lưu kho, phân phối, du lịch, thực phẩm – đồ uống. Hơn nữa, tác động cộng hưởng của cả TPP và một FTA khác với Liên minh châu Âu (EU) có thể nâng đáng kể tốc độ tăng trưởng trong dài hạn cho Nhật Bản, Biswas cho biết.

Nhưng mặt khác, nông nghiệp Nhật sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi Chính phủ phải dỡ bỏ một số biện pháp bảo hộ thị trường gạo, giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm, đồng thời thuế nhập khẩu thịt lợn cũng bị hạ thấp.

Với Australia, thỏa thuận sẽ giúp gỡ bỏ 9 tỷ đôla Australia thuế nhập khẩu cho nước này, Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết. Cơ hội tiếp cận thị trường đường tại Mỹ, thịt gia súc tại Nhật Bản và nhiều thị trường khác như thủy sản, ngũ cốc, gạo cũng sẽ rộng mở. Các công ty dược phẩm nước này sẽ rất hứng khởi khi thời hạn bảo hộ dược phẩm đã bị hạ xuống tối thiểu là 5 năm, thay vì 12 năm như Mỹ yêu cầu trước đây. Việc này có thể khiến giá thuốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Còn tại New Zealand, TPP sẽ giúp họ tiết kiệm 168 triệu USD tiền thuế mỗi năm, Bộ trưởng Thương mại – Tim Groser cho biết. Ngành sữa được hưởng lợi lớn nhất với khoản tiết kiệm gần 67 triệu USD thuế, nhờ quyền tiếp cận các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico. Những mặt hàng xuất khẩu khác như thịt bò, hoa quả, hải sản, rượu và thịt cừu cũng sẽ được hưởng lợi.

Trái lại, những nước không tham gia TPP sẽ cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực khi nằm ngoài hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. “Tác động của việc chuyển hướng thương mại sẽ rơi chủ yếu vào Trung Quốc”, PIEE cho biết. Xuất khẩu nước này sẽ giảm 1,2%. Xuất khẩu Trung Quốc có thể mất thị phần tại Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước đang phát triển khác như Việt Nam, Fielding Chen – nhà kinh tế học tạiBloomberg cho biết.

Bên cạnh đó, vì Việt Nam hưởng lợi từ khả năng tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, các nước xuất khẩu dệt may và trang phục khác có thể sẽ chịu tác động. “Bangladesh, Cambodia, Pakistan và Sri Lanka sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư trong dệt may và da giày sang các thành viên TPP”, Biswas dự báo.

Ấn Độ cũng có thể gánh hậu quả. Vì “Trong khi New Delhi có lĩnh vực xuất khẩu tương đối đa dạng, dệt may và trang phục vẫn đóng góp tới 13% tổng xuất khẩu của nước này trong tài khóa 2014”, Biswas cho biết.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ không chịu ảnh hưởng lớn. Do khối này đã có rất nhiều FTA với các nền kinh tế châu Á và hiện đang đàm phán một FTA với Mỹ.

Theo Vnexpress.net

Tin Liên Quan