Công nghệ cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa
Ngày nay tất cả máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động ở mọi nơi (trên và dưới mặt đất, trên mặt biển, dưới đáy biển, trên trời, ngoài vũ trụ…) đều có sự đóng góp lớn của các nhà khoa học, các tổng công trình sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân cơ khí…
Một số nghề nghiệp trong ngành công nghệ cơ khí
Cán bộ nghiên cứu khoa học và giảng dạy: Làm việc trong các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Công việc chính của người làm trong nghề này là tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin và ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ đã đạt được. Từ đó, họ sáng tạo ra các mô hình công nghệ mới (hoặc phát triển mở rộng mô hình đã có), tối ưu hóa hệ thống công nghệ, so sánh tính chính xác giữa lý thuyết nghiên cừu và thực nghiệm. Những kết quả tìm được sẽ là cầu nối giữa lý thuyết với thực tế ứng dụng, là cơ sở lý thuyết cần thiết cho công tác giảng dạy..
Bên cạnh đó, họ còn nghiên cứu cho ra đời những phương pháp công nghệ gia công cơ khí mới, ứng dụng các loại vật liệu mới, chế tạo các chi tiết máy mới.
Cán bộ nghiên cứu khoa học và giảng dạy dành phần lớn thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, thư viện cùng với những thiết bị, dụng cụ chuyên dụng. Họ cũng thường xuyên lên lớp truyền đạt những tri thức của mình cho thế hệ trẻ yêu thích ngành cơ khí và không quên chuyển giao các kết quả nghiên cứu thành công cho các cơ sở sản xuất ứng dụng.
Kỹ sư điều hành công nghệ: Khi đã tốt nghiệp đại học ngành cơ khí và có một thời gian thực tế sản xuất lấy kinh nghiệm (thường từ một đến hai năm), kỹ sư cơ khí sẽ làm công việc giám sát, điều khiển hoạt động của một thiết bị hoặc dây chuyền cơ khí.
Trong quá trình làm việc, ngoài trách nhiệm giám sát, đảm bảo chất lượng của sản phẩm, kỹ sư điều hành luôn chăm chú quan sát, tìm tòi để cải tiến công nghệ tốt hơn. Hoạt động này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành phẩm, vì lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, thể hiện trách nhiệm tình yêu nghề nghiệp của các kỹ sư điều hành.
Người kỹ sư trực tiếp gắn bó với các dây chuyền, thiết bị cơ khí trong phân xưởng sản xuất cùng công nhân để kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố có thể xảy ra và giám sát công việc, đảm bảo dây chuyền hoạt động đều đặn, đạt chất lượng yêu cầu.
Kỹ sư giám sát: Những kỹ sư giàu kinh nghiệm và có nhiều cơ hội đi tham quan học tập ở các c sở, các hội thảo trong và ngoài nước sẽ được tiến cử vào làm việc trong các phòng quản lý sản xuất như: phòng kỹ thuật, phòng chất lượng sản phẩm, đôi khi là ngay trong phân xưởng sản xuất.
Kỹ sư giám sát thực hiện việc kiểm tra, giám sát các công đoạn trong dây chuyền gia công sản phẩm cơ khí, đảm bảo thực hiện đúng quy trình công nghệ với các điều kiện kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn của ngành cơ khí cũng như tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế. Gắn bó với địa điểm sản xuất, với các sản phẩm từ khi đang thực hiện đến lúc ra lò. Kỹ sư giám sát cũng luôn dành thời gian tìm hiểu và cập nhật tin tức về các quy phạm, tiêu chuẩn, quy trình công nghệ mới trong nghề.
Kỹ sư thiết kế: Kỹ sư có từ ba đến năm năm kinh nghiệm thực tế sản xuất sẽ có cơ hội tham gia công tác thiết kế tại phòng thiết kế của các công ty hay viện, trung tâm nghiên cứu…
Căn cứ vào các yêu cầu về sản phẩm mà chính công ty mình hay đối tác đưa ra, kỹ sư thiết kế sẽ tính toán, thiết kế các mô hình máy móc theo quy trình công nghệ tối ưu, phù hợp với điều kiện sản xuất của cơ sở, đảm bảo giá thành rẻ và chất lượng tốt.
Họ làm việc phần lớn trong văn phòng với các máy móc, thiết bị chuyên dụng cho công tác thiết kế như máy tính cài đặt phần mềm phù hợp, giá vẽ, bút thước… Kỹ sư thiết kế luôn tư duy và tìm tòi để thiết kế ra những dây chuyền công nghệ ngày một tốt hơn. Họ cũng dành nhiều thời gian xuống phân xưởng để trực tiếp quan sát rút kinh nghiệm.
Cán bộ tư vấn và chuyển giao công nghệ: Trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, các ngành sản xuất của nước ta cần chủ động tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến của các quốc gia công nghiệp. Vì vậy, chính các công ty, nhà máy, trung tâm sản xuất, thậm chí các cơ quan quản lý đều phải nhập từ nước ngoài các dây chuyền công nghệ, trang thiết bị cơ khí chất lượng tốt, giá cả phải chăng, phù hợp với những đặc điểm riêng của đất nước, con người Việt Nam.
Các cán bộ ngành cơ khí giàu kinh nghiệm sẽ là người trực tiếp tư vấn hoặc chuyển giao công nghệ cho các Bộ, Ngành, cơ quan Nhà nước, các công ty, nhà máy…lựa chọn nhập khẩu các dây chuyền thiết bị chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Kiến thức
– Các kỹ sư cơ khí cũng đòi hỏi phải có kiến thức và năng lực áp dụng những khái niệm trong môi trường kỹ thuật điện và hóa họ
– Có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, khả năng sáng tạo, tưởng tượng tốt
Kỹ năng
– Sử dụng tốt các hệ thống máy móc
– Sử dụng thành thạo các chương trình CAD, CAM, CNC….
Khả năng
– Có tư duy phân tích nhạy bén, logic
-Chịu được áp lực cao
– Có sức khỏe tốt
Thái độ
– Có tình yêu với ngành cơ khí
– Ưa thích công việc năng động, tìm tòi
– Tính cẩn thận, chính xác và sự kiên trì
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Thống kê của các nước công nghiệp tiên tiến về lịch sử phát triển của ngành cơ khí hàng trăm năm qua cho thấy: những người được đào tạo về cơ khí có thể làm việc ở mọi nơi trên đất nước họ và các nước khác trên thế giới, trong mọi ngành công nghiệp và kinh tế – xã hội khác nhau. Có thể tóm tắt trong một số lĩnh vực chính sau:
– Công tác ở các viện nghiên cứu
– Công tác ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề
– Làm việc trong các nhà máy, công ty sản xuất cơ khí của mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, xã hội, quốc phòng
– Làm việc ở mọi nơi có sử dụng máy móc, thiết bị vận hành
Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chiến lược phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa để hội nhập với nền kinh tế thế giới sau khi gia nhập WTO nên cơ hội làm việc trong ngành cơ khí càng trở nên phong phú và rộng mở hơn bao giờ.