Không gian sáng tạo trên smartphone hay bất cứ một loại thiết bị điện toán cá nhân nào khác (tablet, laptop, desktop…) đều đã gần như cạn kiệt. Một con chip mới xuất hiện sẽ đem lại một năng lực rất chuyên biệt để thay đổi cách con người giao tiếp với máy tính, cách máy tính phục vụ con người. Mọi thứ sẽ bắt đầu trên iPhone?
Bất chấp những bước tiến vượt bậc của tất cả các ông lớn chuyên về phần mềm/Internet như Microsoft, Amazon, Google và Facebook trong những năm qua, sự thật là đến lúc này gần như cả nhân loại vẫn còn khá “lờ mờ” về AI. Người ta có thể hình dung ra được rằng AI là một thứ gì đó có sức mạnh rất khủng khiếp, có thể khiến hàng triệu người mất việc v…v… Nhưng chưa một ai có thể hình dung được đầy đủ những thay đổi khốc liệt khi AI tràn ngập vào cuộc sống.
Trung tâm của thế giới công nghệ đến thời điểm này vẫn là smartphone. Và thực tế là một trong những cột mốc quan trọng nhất của AI đã xảy ra trên smartphone: tháng 10/2014, Apple ra mắt một trợ lý ảo có khả năng trò truyện với con người. Một trí thông minh có khả năng phân tích giọng nói, nhận diện yêu cầu và đáp ứng yêu cầu đó.
Apple phản đòn
3 năm sau, Apple đã tụt hậu trên cuộc đua AI. Amazon nhanh chân chiếm chỗ trên những chiếc loa thông minh không có màn hình, cùng lúc trở thành một thế lực áp đảo của smarthome. Google gây sốc khi AlphaGo đè bẹp con người trên bàn cờ vây và cũng nhanh chóng hoàn thiện Assistant để cạnh tranh với Alexa. Microsoft đã dũng cảm bỏ qua thất bại trên smartphone nhưng lại liên tiếp tạo ra những công cụ mạnh mẽ để cả thế giới có thể tự tạo ra AI của riêng mình. Xét về “dịch vụ AI” mà đặc biệt là AI tích hợp trên đám mây, không một gã khổng lồ nào đủ mạnh mẽ để cạnh tranh với Microsoft.
Người ta liên tục kêu gọi Apple phản đòn, và quả thật là Apple đã có một vài cú đánh trả: Siri mở rộng lên macOS, tvOS và có thêm vài tính năng khá hữu ích, AirPods ra mắt với vai trò quan trọng là một kênh giao tiếp dễ dàng giữa người dùng và Siri, một vài tên tuổi đầu ngành của AI cũng về làm việc tại Cupertino…
Nhưng phải đến tuần này các tín đồ Táo (cũng như các đối thủ cạnh tranh) mới được biết về bước tiến đáng kể nhất của Apple trên lĩnh vực AI: theo các nguồn tin của Bloomberg, các thế hệ iPhone sắp tới sẽ được tích hợp một con chip riêng để phục vụ cho AI. Bài báo khẳng định: “Các thiết bị của Apple hiện tại đang thực hiện các tác vụ AI phức tạp thông qua 2 con chip: vi xử lý chính và vi xử lý đồ họa. Một con chip hoàn toàn mới sẽ giúp Apple có thể chuyển giao tất cả các tác vụ này sang một module được thiết kế riêng cho các tiến trình AI, nhờ đó cải thiện thời lượng pin”.
Dĩ nhiên, thời lượng pin chỉ là một phần nhỏ trong viễn cảnh một con chip dành riêng cho AI trên smartphone.
Chân trời mới của iPhone
Thực tế, dù cho AI đã có mặt trên smartphone từ năm 2011 (khi Siri ra mắt trên iPhone 4S), cả CPU lẫn GPU di động đều không thể sánh với một con chip được thiết kế riêng cho AI. Sự hiện diện của một con chip như vậy hoàn toàn có thể là một cú thúc mạnh mẽ để tăng đáng kể năng lực của các tiến trình AI trên smartphone.
Vậy Apple sẽ dùng AI để làm gì?
Đó có thể là một cơ chế nhận diện giọng nói nhanh chóng (và offline). Có thể là khả năng nhận diện hình ảnh tăng đáng kể để phục vụ cho bất cứ ý tưởng ứng dụng kỳ quái nào đến từ Microsoft, Facebook hay một startup độc lập. Cung có thể là khả năng phân tích và nhận diện chính xác thói quen và các thông tin ngữ cảnh của người dùng để đưa ra các gợi ý tự động hữu ích hơn nữa.
Đúng, những tác vụ này không còn quá xa lạ, nhưng Apple cũng chưa bao giờ đẩy công nghệ ra xa người dùng. Nếu AI trên iPhone có thể được tăng tốc bởi một con chip riêng, hãy chờ đợi những tính năng cực kỳ thông minh nhưng cũng cực kỳ gần gũi. Những thay đổi nhỏ có thể kéo theo rất nhiều thay đổi lớn: ví dụ, khi năng lực nhận diện giọng nói của smartphone đạt đến mức ngang ngửa con người, người dùng có thể sẽ tăng cường mức độ ưu ái Siri, Cortana và Google Assistant hơn hẳn. Người dùng càng sử dụng AI nhiều, chúng càng thông minh. AI càng thông minh, những tính năng hiện nay vẫn có khá xa vời như quản lý sức khỏe, quản lý ngôi nhà từ xa hoặc thậm chí là trò chuyện với con người hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Một chân trời mới sắp sửa mở ra với “AI cho người dùng cuối”, đầu tiên là người dùng iPhone.
Chân trời mới của điện toán
Từ trước đến nay, AI vẫn là nhiệm vụ thuộc về GPU và CPU (mô hình nhiều nhân của GPU phù hợp hơn cho xử lý vector). Bước đi của Apple độc nhất vô nhị ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử, một thiết bị điện toán sẽ được sở hữu một chip dành riêng cho các tác vụ AI.
Với các thế lực bên ngoài, những hệ lụy mang tới sẽ không hề dễ đoán. AI là một trong các lĩnh vực có thể bộc lộ rõ rệt lợi thế của CPU/GPU đa nhân so với CPU/GPU “ít nhân” của Táo. Một khi đã có chip AI riêng, Apple có thể thoải mái tiếp tục phát triển chip A_ theo hướng trước đây mà không cần quan tâm giới mộ điệu Android đang nói gì. Dù sao thì hiệu năng ứng dụng của Apple đã hơn hẳn Android, nếu như thế mạnh (tiềm năng) về AI cũng bị xóa bỏ, Qualcomm, Samsung, MediaTek sẽ phải tiếp tục ngửi khói của Apple.
Mà Apple từ trước đến nay vẫn mang vai trò “tạo trào lưu” rất rõ rệt. Mỗi bước đi của Táo, kể cả những bước đi có phần gây tranh cãi như jack tai nghe, cũng vẫn có người làm theo. Không sớm thì muộn một vài nhà sản xuất Android cũng sẽ mang tham vọng tương tự, song mang một con chip mới lên smartphone Android không đơn giản như đổi từ chip Snapdragon sang Exynos: cả Google, nhà sản xuất chip lẫn các OEM sẽ phải phối hợp chặt chẽ để có thể “chen” thêm một con chip vào kiến trúc smartphone. Một kịch bản rối loạn tương tự như thời kỳ 64-bit có thể lặp lại.
Nhưng dù có rối loạn thì việc trang bị một con chip AI riêng cho smartphone, cho tablet, cho laptop, cho PC, cho tất cả những chủng loại thiết bị điện toán cũ vẫn có thể là một trào lưu tất yếu cho tương lai. Tất cả các thiết bị quen thuộc này giờ đều đã đi vào lối mòn trong khi AI đang đứng trước mặt và hứa hẹn một phương thức giao tiếp hoàn toàn mới mẻ, hứa hẹn những tính năng siêu hữu dụng trước nay chưa từng xuất hiện. Trên các thiết bị này, tác vụ của AI có thể do GPU đảm nhiệm, nhưng không phải GPU nào cũng đủ mạnh mẽ để đảm nhiệm AI, chưa kể GPU cũng không phải là loại chip tối ưu nhất cho AI. Chip AI riêng là tất yếu.
Kết hợp giữa AI trên thiết bị và AI trên đám mây, không ai biết chắc kịch bản nào có thể xảy ra. Nhưng Apple không phải là gã khổng lồ duy nhất biết tính đến tương lai: cách đây vài tuần, Microsoft đã nói đến một “phần rìa” thông minh cho đám mây thông minh.
Những cuộc cách mạng công nghệ luôn bắt đầu một cách bất ngờ đến mức không ai có thể nhận ra. Tất cả những gì cần có chỉ là một ý tưởng đơn giản nhưng hàm chứa. Windows, iPod, iPhone, deep learning… đều đã bắt đầu như vậy. Lần này, Apple có một con chip dành riêng cho AI.