Khi chưa vướng vòng lao lý, viên quản lý nói trên chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng tại mảng kinh doanh vi xử lý (chip) của tập đoàn Samsung . Hồi tháng 7, người này đã bị các bảo vệ của hãng bắt quả tang đang cố gắng rời khỏi khu liên hợp của Samsung ở Hàn Quốc cùng với hàng ngàn tài liệu sao chép về dữ liệu công nghệ của mạch vi xử lý ứng dụng (AP).
Samsung đã tố cáo vụ việc với nhà chức trách Hàn Quốc. Sau 2 tháng điều tra, cảnh sát cho biết, viên quản lý họ Lee, 55 tuổi đã âm mưu tiết lộ các tài liệu nói trên cho một công ty không rõ danh tính ở Trung Quốc. Một thẩm phán vừa ra lệnh tống giam người này cho tới khi phiên xử ông ta vi phạm luật bảo hộ công nghệ công nghiệp diễn ra.
Hàn Quốc hiện coi công nghệ chất bán dẫn là công nghệ trọng điểm quốc gia. Việc để lộ nó không có sự cho phép của nhà chức trách là bất hợp pháp.
Nhà chức trách đã tịch thu toàn bộ các tài liệu mà ông Lee đã sao chép. Cảnh sát sẽ điều tra thêm xem liệu ông ta từng có dự định làm rò rỉ công nghệ trong quá khứ hay không.
Trung Quốc hiện coi các công nghệ IT mới là một trong “những ngàng công nghiệp chiến lược”, cần tự sản xuất được trong nước vào năm 2020, với công nghệ chất bán dẫn là phần then chốt. Nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup của Trung Quốc đang cố gắng mua lại các công ty chip của Mỹ và Hàn Quốc.
Các công ty săn đầu người từ Trung Quốc cũng đang chiêu dụ các kỹ sư của những “đại gia” công nghệ Hàn Quốc như Samsung, LG và SK Hynix. Trong đó, chuyên chuyên gia về chất bán dẫn và màn hình là một trong những mục tiêu lôi kéo hàng đầu của họ.
Samsung hiện là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ hai trên thế giới nhưng đứng đầu toàn cầu về kinh doanh chip bộ nhớ. Cùng với mảng thiết bị di động, kinh doanh chip chiếm gần nửa số lợi nhuận hoạt động của công ty.
Vai trò của mảng kinh doanh chất bán dẫn thậm chí còn trở nên quan trọng hơn với Samsung trong quý 3 sắp tới, khi mảng thiết bị di động đang đối mặt nguy cơ suy giảm lợi nhuận vì việc thu hồi Galaxy Note 7 trên khắp toàn cầu.
Tuấn Anh (Theo ZDNet)