Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ 2007, các TTCK Đài Loan, Brazil và Indonesia đều bước vào “thị trường con gấu”. Các đồng tiền mới nổi đồng loạt lập đáy mới.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, sau khi các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ không thể xoa dịu nỗi lo lắng của nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kết thúc phiên hôm nay (24/8), chỉ số Shanghai Composite giảm 8,5%, xuống còn 3.209,91 điểm. Chỉ số Hang Seng Enterprises Index mất 6,5%, hướng đến phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Các số liệu kinh tế xấu đi và những dấu hiệu cho thấy dòng vốn bị rút ra ồ ạt đang xóa tan những nỗ lực chưa từng có của Chính phủ Trung Quốc nhằm vực dậy TTCK có giá trị vốn hóa lên tới 6.000 tỷ USD. Mặc dù cuối tuần qua Trung Quốc nói rằng sẽ cho phép các quỹ hưu trí mua cổ phiếu lần đầu tiên trong lịch sử, những đồn đoán về việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã không trở thành hiện thực.
“Đây thực sự là một thảm họa, không gì có thể ngăn thị trường giảm điểm”, Chen Gang, giám đốc đầu tư của quỹ Heqitongyi, nói.
Hơn 800 mã trong chỉ số Shanghai Composite giảm sàn. Tính từ mức đỉnh hôm 12/6, chỉ số này đã giảm tổng cộng 38%, khiến hơn 4.000 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi”.
Diễn biến của chỉ số Shanghai Composite
Không chỉ riêng Trung Quốc, các tài sản trong nhóm thị trường mới nổigiảm giá sâu hơn nữa trong “cơn bão” bán tháo. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index giảm 3,7%, xuống còn 782,72 điểm, ghi nhận ngày giảm điểm thứ 7 liên tiếp.
Chứng khoán Philippines giảm mạnh nhất kể từ 2008, trong khi chứng khoán Dubai và Việt Nam cũng mất hơn 5%. Đồng rand của Nam Phi giảm mạnh nhất kể từ năm 2013, đồng ringgit của Malaysia (xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998) và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt giảm 1,3% và 1,4%. Đồng rupee của Ấn Độ giảm 1%.
Tuần trước, các TTCK Đài Loan, Brazil và Indonesia đều bước vào “thị trường con gấu”.
Chỉ số Bloomberg Commodity Index theo dõi 22 loại hàng hóa giảm 1,6% vì đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến mọi loại hàng hóa từ dầu mỏ đến kim loại rơi vào tình trạng dư thừa. Giá dầu thô biển Bắc giảm xuống dưới 45 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009 sau khi Iran tuyên bố sẽ tăng nguồn cung bằng bất cứ giá nào để bảo vệ thị phần.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg