Tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp ngành cơ khí: Tìm hướng đi riêng

Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập, tăng năng lực cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí. Dù còn gặp nhiều khó khăn với bài toán về vốn, công nghệ và nhân lực, nhưng một số DN đã bắt đầu thích ứng và tìm được hướng đi riêng…

Doanh nghiệp ngành cơ khí mở rộng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh

Giá trị gia tăng thấp

Tại hội thảo “Những ứng dụng thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm cơ khí” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) – cho biết, doanh thu sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ôtô, máy nông nghiệp, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: Thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than. “Tuy nhiên, giá trị gia tăng của các sản phẩm cơ khí Việt Nam còn thấp, chưa tạo đầu ra cho sản phẩm” – ông Nguyễn Văn Thụ nhận định.

Nội lực của DN cơ khí cũng là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước có 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, nhưng chỉ có gần 100 DN có quy mô vốn hơn 500 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Khương – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) – chia sẻ, khó khăn chính là do chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành. Các DN cơ khí chủ yếu là DN vừa và nhỏ, điều kiện tài chính khó khăn nên chưa có khả năng tích lũy nhiều về tài chính cũng như công nghệ.

Ngoài ra, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máỵ móc, thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu…

Đẩy mạnh liên kết

Theo VAMI, muốn phát triển ngành cơ khí phải có mạng lưới liên kết hùng hậu, các DN cơ khí cần xây dựng lại mô hình sản xuất theo hướng liên kết trở thành “mắt xích” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện tại, các DN cơ khí thành viên của VAMI đã phối hợp trong cung ứng và hợp tác thực hiện các dự án có khối lượng lớn, nhiều hợp đồng sản xuất, kinh doanh đã được triển khai. Đơn cử như các DN quốc phòng Z17, Z25, Z179… đã liên kết cung cấp các loại bánh răng, chi tiết sản phẩm gia công kim loại cho các DN cơ khí thành viên. Hay như Công ty Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam từ nhiều năm nay vẫn đặt hàng các chi tiết sản phẩm với trên 25 DN để sản xuất chế tạo các sản phẩm, thiết bị phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Chú trọng nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ mới giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hà – Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) – cho rằng, thương hiệu máy nông nghiệp, ôtô, công nghiệp phụ trợ của VEAM và các đơn vị thành viên chưa được biết đến nhiều ở thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, VEAM đã mở rộng liên kết với các DN trong và ngoài nước để khơi thông thị trường. Thời gian tới, VEAM sẽ tăng cường khâu quảng bá thương hiệu, sản phẩm và năng lực, tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Thụ thông tin thêm, để tăng năng lực cho ngành cơ khí Việt Nam, cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí. Cụ thể, VAMI đã làm việc trực tiếp với các đơn vị, công ty thành viên như Vinalift, Lilama, Lisemco, Cơ khí Phổ Yên, Cơ khí Đông Anh, VEAM… để nắm bắt tình hình sản xuất, những thuận lợi và hỗ trợ cho các DN trong việc liên kết chuỗi, tìm việc làm, ổn định sản xuất của DN.

Về phía các DN cũng phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp, tích cực đổi mới, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Các thành viên VAMI sẽ tập trung triển khai nâng cao kỹ năng quản trị DN để ngành cơ khí tạo sức bật mới. Việc đẩy mạnh liên danh, liên kết được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các DN cơ khí có không gian và môi trường hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường.

Lan Anh

Tin Liên Quan