Hà Nội tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp ngành cơ khí

Thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao cùng những bất cập về việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu sản xuất… là khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành cơ khí Hà Nội.
a904f3a2a22bc7b6aa9da27eff8ba6c1_MQA-SoCT-Sunhouse
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng (giữa), Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh (bên trái) thăm phân xưởng sản xuất của Tập đoàn Sunhouse

Những khó khăn trên đã được đại diện các doanh nghiệp nêu lên tại Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành cơ khí Hà Nội do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Hasmea) phối hợp Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 1/4/2016.

Theo ông Nguyễn Xuân Phú- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse- thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp, những rào cản về thủ tục hành chính đã làm chậm bước phát triển của các doanh nghiệp ngành cơ khí. Đơn cử, Tập đoàn Sunhouse đã mua đất ở huyện Hoài Đức làm nhà máy sản xuất từ năm 2007, nhưng đến nay, đã 9 năm rồi, vẫn chưa làm xong thủ tục giấy tờ.

Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp cơ khí trong nước đều thiếu vốn; công nghệ, thiết bị chế tạo chưa đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao; vốn ít, việc tiếp cận vốn của ngân hàng vớí lãi suất thấp hết sức khó khăn. Đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành, kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề… Do vậy, các DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện về mặt bằng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…

Ông Phú chia sẻ, để xây dựng một thương hiệu được người tiêu dùng nhớ đến là vô cùng khó khăn. Và chỉ có xây dựng thương hiệu thì doanh nghiệp mới thoát được cảnh làm thuê. Do vậy, tại sao Nhà nước không hỗ trợ những đơn vị đã xây dựng được thương hiệu uy tín, từ đó tạo nên những thương hiệu quốc gia… Nếu Nhà nước cứ hỗ trợ dàn trải đều cho các doanh nghiệp như hiện nay, thì Việt Nam chưa biết đến bao giờ mới có được những thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế- ông Phú băn khoăn.

Một rào cản cho phát triển ngành cơ khí là những bất cập trong chính sách thuế. Ông Phú cho biết, một trong những điều vô lý hiện nay là chính sách thuế đối với thành phẩm nhập khẩu là 0%, trong khi linh kiện nhập khẩu lại phải chịu thuế 5%. Điều này không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước mà chỉ nhập khẩu sản phẩm về bán – vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp ngành cơ khí, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tổng hợp đầy đủ kiến nghị của các doanh nghiệp ngành cơ khí để Sở Công Thương trình UBND TP. Hà Nội, đồng thời gửi các bộ, ngành chức năng có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, không để những bất cập về cơ chế, chính sách chặn bước phát triển của doanh nghiệp.
(nguồn: theo Lê Kim Liên http://baocongthuong.com.vn)

Tin Liên Quan