Để Ngành Cơ Khí Đủ Sức Tham Gia Chuỗi Sản Xuất Toàn Cầu

Làm sao để các doanh nghiệp cơ khí không còn thua trên sân nhà, các sản phẩm cơ khí có được năng suất cao, chất lượng tốt, giá cạnh tranh để có thể chiếm lĩnh thị trường?

Làm sao để các doanh nghiệp cơ khí không còn thua trên sân nhà, các sản phẩm cơ khí có được năng suất cao, chất lượng tốt, giá cạnh tranh để có thể chiếm lĩnh thị trường?

Làm thế nào để các doanh nghiệp cơ khí đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu?

Và làm gì để đời sống những người làm cơ khí được cải thiện, nâng cao cả về tinh thần và vật chất?

Đi tìm câu trả lời, Tạp chí “Doanh nghiệp cơ khí & Đời sống” đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam – VAMI.

Ông Nguyễn Văn Thụ chủ tịch VAMI trả lời phỏng vấn

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung buổi làm việc này.

PV: Xin ông cho biết vai trò của việc nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí trong thời gian vừa qua.

Ông Thụ: Sản phẩm cơ khí là một trong những sản phẩm quan trọng, nó là những thiết bị, máy móc có độ chính xác cao và bền vững. Trong chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm cũng đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất cơ khí một sự cố gắng vượt bậc trong việc đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng, đồng thời đó cũng là yếu tố quan trọng để các sản phẩm cơ khí có thể thay thế hàng nhập ngoại và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói về sản phẩm cơ khí thì đây là những sản phẩm đã cung cấp trên thị trường thế giới từ rất lâu, ví dụ như     sản phẩm thiết bị đồng bộ, máy công cụ, máy xây dựng, máy chế biến nông hải sản, thiết bị đóng tàu, ô tô, thiết bị điện và máy động lực…Đây là những          sản phẩm thế giới đã cung ứng nhiều, thậm chí nhiều Tập đoàn công nghiệp và tài chính Quốc tế đã thâu tóm thị trường do chất lượng và hiệu quả của những sản phẩm đó.

Việt Nam ta đi sau thế giới có đến hàng thế kỷ, chính vì thế tìm cho được lối ra đối với sản phẩm cơ khí trong việc thực hiện CNH HĐH Đất nước là sự phấn đấu quyết liệt mới có thể đảm bảo cho sản phẩm cơ khí của chúng ta       hoà nhập được, thay thế hàng nhập khẩu, và chính cái đó là động lực để  thực hiện thành công CNH HĐH. Muốn vậy, chúng ta phải làm được một số điều cụ thể sau đây:

Thứ nhất, ngành cơ khí không thể không có vốn đầu tư bởi đây là điều kiện tiên quyết để có thể có được nguồn vốn đầu tư trang, thiết bị tiên tiến nếu muốn làm ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Thứ hai, muốn đạt được các tiêu chí cạnh tranh của sản phẩm thì các sản phẩm cơ khí phải được những cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề tạo ra, có vậy mới có năng suất cao để cạnh tranh nổi trong cơ chế thị trường. Đây là hai yếu tố rất quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí.

Thứ ba, là Chính phủ phải tạo đầu ra để các sản phẩm cơ khí  có cơ hội đưa ra thị trường bằng cách cho cơ khí thực hiện những dự án. Mặt khác, đi đôi với những yếu tố về tài chính, yếu tố đào tạo con người, yếu tố đầu ra của sản phẩm là những chính sách về khoa học và công nghệ đầu tư cho cơ khí phải tập trung và hết sức linh hoạt. Trong thời gian vừa qua chính sách phát triển khoa học và công nghệ cũng đã được chú ý, chẳng hạn chế tạo thiết bị các nhà máy xi măng thì đi kèm với nó là một loạt các đề tài về thiết kế chế tạo các sản phẩm của thiết bị xi măng được Chính phủ đài thọ bằng vốn ngân sách, điều này đã tạo điều kiện cho các nhà thiết kế Việt Nam cũng như các nhà sản xuất trau dồi năng lực về thiết kế và quản lý sản phẩm.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, rất cần có những chính sách đi trước đón đầu. Có như vậy chất lượng và năng lực chế tạo cơ khí mới có thể theo kịp với nhu cầu của thị trường thế giới.

PV: Hiện nay một số doanh nghiệp trong nước vẫn lúng túng trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí còn thiếu. Vậy theo ông các doanh nghiệp cơ khí cần quan tâm vấn đề gì?

Ông Thụ: Trong thời gian gần đây, vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cơ khí luôn là đòi hỏi hết sức bức bách. Vì sao lại như vậy? Bởi vì thị trường đầu tư trong nước, đặc biệt là các dự án lớn thường rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài nên thị trường nội địa bị co hẹp lại. Chính vì thế con đường để tồn tại và phát triển là các doanh nghiệp cơ khí phải tìm cách tiếp cận thị trường thế giới bằng việc trở thành nơi cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn làm được như vậy thì phải biết kết hợp với các nhà tổng thầu nước ngoài cũng như các hãng có tên tuổi để trở thành một mắt xích cung ứng thiết bị phụ tùng cho họ. Thực hiện bằng được các chương trình quản lý chất lượng của châu Âu, Mỹ, Nhật…và như vậy phải có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của Lãnh đạo và cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Nữa là phải có một chương trình đào tạo cho cán bộ, công nhân kỹ thuật thực hiện các dự án có tác phong công nghiệp để thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và năng suất cao mới có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phải có nguồn vốn đầu tư được bố trí hợp lý để có được những thiết bị tiên tiến, có thể nhận được các đơn hàng từ nước ngoài về chế tạo, cung ứng thì khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mới thực hiện được.

Trong thời gian tới chúng ta sẽ tham gia vào các hiệp định xuyên Quốc gia như TPP hay một số các hiệp định khác, điều đó có nghĩa là trong quá trình hội nhập, bản thân doanh nghiệp phải vươn mạnh trong nhận thức, trong quản lý và đầu tư có chiều sâu công nghệ và thiết bị tiên tiến. Theo cách làm của chúng ta trước đây chưa chú ý đến năng suất và chất lượng của sản phẩm thì không thể tồn tại được, ví như chúng ta chỉ làm ra “hàng chợ” trong khi thị trường đã quen dùng “hàng hiệu” và vì thế mà nhiều dự án thiết bị đồng bộ, ô tô, tàu thuỷ…lần lượt rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài.

Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc cải tổ, sắp xếp lại doanh nghiệp để theo kịp cơ chế thị trường, cho nên tôi cho rằng các yêu cầu về cơ chế chính sách của Chính phủ là hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cơ khí rất thiếu vốn cho nên phải có những chính sách về tài chính giúp cho doanh nghiệp có vốn để đầu tư và phải được chọn lựa một cách kỹ càng, giành cho những doanh nghiệp thực sự có hướng phấn đấu để tạo ra những sản phẩm mũi nhọn có chất lượng và giá cạnh tranh.

Rồi Chính phủ cũng phải tạo ra những thị trường và đầu ra cho ngành cơ khí. Đó là thực hiện các dự án theo hướng chỉ định thầu kể cả thiết kế và chế tạo. Tiếp đó là phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phải có vốn để thực hiện các dự án thực nghiệm chế tạo các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Bản thân các doanh nghiệp cơ khí phải có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về chỉ đạo năng suất và chất lượng.

Phải biết liên kết với nhau, thực hiện “chuyên môn hoá sâu, hợp tác hoá rộng”, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống của từng doanh nghiệp. Phải xoá bỏ tư tưởng làm mỗi thứ một tý hay sản xuất khép kín. Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để tận dụng được năng lực thiết bị và cho ra những sản phẩm có chất lượng cao, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả đầu tư, để đầu tư không bị dàn trải lãng phí.

PV: Xin hỏi thêm ông đó là, cũng như các ngành nghề khác, để đón các hiệp định ví dụ như TPP, ngành cơ khí cần chuẩn bị những gì nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngành cơ khí theo ông cần có những giải pháp gì?

Ông Thụ: trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Nhà nước và thực sự Nhà nước cũng đã tạo điều kiện và cơ hội cho ngành cơ khí có được những sản phẩm, ví dụ như chương trình nội địa hoá nhà máy xi măng, chương trình nội địa hoá thiết bị cơ khí thuỷ công, chương trình chế tạo giàn khoan dầu khí và gần đây là Quyết định 1791 của Chính phủ về việc nâng dần tỷ lệ nội địa hoá của 11 sản phẩm trong các công trình nhiệt điện đốt than. Hiệp hội đề xuất ra những chủ trương này xuất phát từ mong muốn được tạo cơ hội để có những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng Đất nước.

Có thể nói 4 dự án Chính phủ giao chúng ta đã đạt 60-70% nội địa hoá thiết bị xi măng, chương trình cơ khí thuỷ công đạt chất lượng tốt làm hài lòng chủ đầu tư với giá cả cạnh tranh. Chúng ta đã chế tạo được giàn khoan tự nâng 90 m nước, đang làm tiếp giàn khoan thứ 2 và tiến tới sẽ thiết kế và chế tạo được những giàn khoan như Hải Dương 981 của Trung Quốc phục vụ cho chiến lược biển Đông. Chúng tôi hy vọng với Quyết định 1791 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nâng cao trình độ thiết kế, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá trong các công trình nhiệt điện, chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.

Thông qua 4 dự án được giao và những gì đã đạt được trong thời gian qua, các doanh nghiệp cơ khí còn phải tiếp tục tìm kiếm thị trường, thực hiện tốt các đơn hàng của các nhà thầu nước ngoài cũng như có được các đơn đặt hàng mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở này./.

 

Nguỵ Hoàng Sơn thực hiện

Tin Liên Quan