Cần phát huy hết khả năng của sinh viên trong các CLB khoa học

Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học – Ảnh: Trường đại học Bách khoa Hà Nội
 Theo TS Nguyễn Tiến Đông – Phó viện trưởng Viện Cơ khí (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), trong câu lạc bộ (CLB) khoa học sẽ có nhiều nhóm cùng tương tác, cùng hoạt động, cùng suy nghĩ để giải quyết các vấn đề. Đó chính là những phần bổ trợ rất tốt cho quá trình học tập trên lớp cũng như nghiên cứu khoa học của nhiều sinh viên.

Sinh hoạt CLB từ lâu đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong các trường đại học, đây không chỉ là nơi trang bị cho các sinh viên kiến thức, những kinh nghiệm thực tế liên quan tới ngành học mà còn là sân chơi cho nhiều bạn trẻ đam mê khoa học. Ở những trường chuyên về khối ngành kỹ thuật, sinh hoạt CLB còn gắn liền với việc nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học của sinh viên vẫn còn phụ thuộc vào thầy

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Tiến Đông – Phó viện trưởng Viện Cơ khí (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh: “Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là giải quyết vấn đề nào đó của xã hội, của doanh nghiệp. Khi tham gia vào nghiên cứu khoa học, các bạn sinh viên sẽ có được phương pháp luận, kiến thức nền tảng tốt, cách tư duy khoa học logic…”.

Tuy được đánh giá là hoạt động quan trọng với nhiều điểm tích cực khi đã có nhiều sinh viên trưởng thành từ CLB khoa học, nhưng đến nay những CLB khoa học của các trường đại học vẫn còn gặp nhiều hạn chế và bản thân các sinh viên cũng chưa thực sự chủ động cho việc nghiên cứu khoa học.

Giải thích về điều này, TS Đông cho rằng hiện nay CLB Khoa học ở các trường đại học thường vẫn do sinh viên tự tổ chức dưới hình thức CLB nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong CLB nghiên cứu khoa học đó, mỗi sinh viên đều đang đi theo từng giảng viên hướng dẫn để nghiên cứu theo hướng nghiên cứu của thầy mà chưa có sự chủ động nhiều từ chính sinh viên.

“Điểm chưa được phát huy tích cực trong các CLB khoa học hiện nay chính là việc các thầy đang chỉ tập trung vào chuyên môn sâu nhằm giúp các bạn có được kiến thức tốt, chuyên sâu trong lĩnh vực theo đuổi, nhưng để ra được sản phẩm hoàn chỉnh lại chưa phát huy hết khả năng của sinh viên”, TS Đông lo lắng.

Không gian thực hành của các nhóm trong CLB TIG Bách khoa – Ảnh: TIG

Vừa học vừa làm

Để khắc phục những nhược điểm trên, vào tháng 2.2016, CLB TIG (Technology – Innovation – Globalization Project) – một dự án liên kết giáo dục được khởi xướng bởi TS Nguyễn Tiến Đông ra đời.

Nói về dự án này, TS Đông chia sẻ: “Trong 2 năm gần đây, khái niệm về đổi mới sáng tạo, về khởi nghiệp đã được phổ cập, TIG ra đời mong muốn các bạn sinh viên được đào tạo, được trải nghiệm những kiến thức liên quan tới khoa học, kỹ thuật, công cụ nghiên cứu phát triển để tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống”.

Theo thông tin từ dự án, TIG tập trung cung cấp và bổ sung cho sinh viên các kiến thức ngoài giáo trình đại học và nâng cao tính ứng dụng của các kiến thức đó; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để trang bị đúng và đủ các trải nghiệm, kiến thức, công cụ, kỹ năng cần thiết cho công việc của các em sau này.

Tuy nhiên, TIG không phải là một dự án đào tạo kỹ năng mềm và theo đuổi thành tích nghiên cứu khoa học, mà theo TS Đông, con người mới là yếu tố trung tâm, giá trị cốt lõi nằm ở các kiến thức khoa học được mỗi cá nhân tự tìm tòi, tự học, tự nghiên cứu ứng dụng dưới sự “quan sát” của giảng viên, tất cả các vấn đề còn lại chỉ là các yếu tố thêm vào để hoàn thiện.

Thành viên TIG hực tập tại xưởng máy – Ảnh: TIG

Nhìn chung, hoạt động của CLB nghiên cứu khoa học trong nhà trường đều là những hoạt động bổ trợ chính cho việc học tập trên lớp của các sinh viên, từ việc hoạt động theo nhóm, tương tác với nhau cho đến việc xây dựng kế hoạch… giúp các bạn có cách nhìn đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, tìm hiểu tâm lý khách hàng để quay ngược lại làm nghiên cứu tốt hơn.

“Mọi người hay nghĩ khoa học là cần phải có một nền tảng sâu mà quên rằng nghiên cứu khoa học là tìm hiểu, đi giải quyết vấn đề đó theo góc độ có logic, phương pháp luận và có tính khoa học, đánh thức sự tò mò, háo hức trong mỗi sinh viên. Tuy còn những khó khăn liên quan tới thiết bị để tiến hành nghiên cứu nhưng CLB khoa học trong các trường đại học ra đời đều nhằm giúp các bạn sinh viên tự tạo cho mình động lực, đam mê khoa học”, TS Đông nói.

Để trang bị tốt cho nghiên cứu khoa học, theo TS Đông, không gì tốt bằng học thông qua cách làm, hướng các bạn sinh viên tới câu hỏi “Tại sao phải nghiên cứu? Tại sao phải giải quyết vấn đề này, vấn đề kia?”… Khi có nhu cầu đủ lớn, chính các bạn sẽ bắt tay vào làm một cách tự nhiên nhất.

 Mỹ Bình  (nguồn: Theo Thu Anh http://motthegioi.vn)

 

Tin Liên Quan